BOUaqua.com

Vài điều cần biết khi khai thác thủy sinh trong tự nhiên

Thủy sinh giúp con người tới gần hơn với thiên nhiên, từ đó nảy sinh nhu cầu sưu tầm các sản phẩm từ thiên nhiên để chơi hoặc kinh doanh. Bên cạnh các sản phẩm (chủ yếu là cây trồng và các sinh vật thủy sinh) được nuôi sinh sản hay nhập khẩu thì các sản phẩm được khai thác từ thiên nhiên vẫn có chỗ đứng nhất định và được nhiều người chơi ưa chuộng. Trong bài viết này bouaqua chỉ đề cập đến vấn đề người chơi tự đi khai thác các sản phẩm thủy sinh trong tự nhiên.

Đầu tiên phải nói đó là cái thú. Việc đi khai thác với đội nhóm, bạn bè, anh em cùng chơi giống như là team building vậy, nó giúp gắn kết mỗi cá nhân và thủy sinh là chất xúc tác mạnh mẽ. Mỗi chuyến khai thác có thể được coi như một hình thức “phượt thủy sinh”. Mỗi khi tìm được một thứ gì mới mẻ, độc đáo, cùng bàn luận, cùng chiêm ngưỡng và nghĩ cách xử lý để đưa vào hồ thật sự rất thú vị. Đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ của mỗi cá nhân tham gia.

Thứ hai phải nói đến lợi ích. Về lợi ích tinh thần thì có lẽ không phải nói nhiều, sau mỗi chuyến đi các bạn lại sưu tầm thêm được một loại đá mới, một cành lũa, và đôi khi là cả một bộ lũa hoành tráng mà mẹ thiên nhiên hào phóng ban tặng. Những sản vật này thường thuộc dạng “có một không hai” nên lợi ích kinh tế cũng dễ dàng được đẩy lên cao nếu gặp đúng người cần mua.

Rừng nhiệt đới là địa hình phổ biến đối với chúng ta

Những khó khăn, nguy hiểm

Thường để khai thác được những thứ thú vị, đáng giá các bạn phải tiếp cận với thiên nhiên hoang dã. Những nguy cơ lớn nhất trong môi trường này là tai nạn, thú dữ, bệnh tật và đôi khi là cả những vấn đề với người bản địa nữa.

  • Tai nạn là điều các bạn dễ gặp nhất nếu thiếu các biện pháp an toàn. Các vách đá hiểm trở, trơn trượt, dòng suối chảy xiết là những địa hình các bạn hay gặp. Thường ở những địa điểm kém an toàn thì sẽ có ít người tiếp cận, do đó lại xuất hiện nhiều thứ “độc lạ” mà các bạn mong muốn. Nên thận trọng với từng bước di chuyển của mình ở địa hình này, có nhiều tình huống các bạn không thể lường trước và nguy hiểm sẽ nhân lên gấp bội nếu các bạn không được đào tạo để đối phó với các tình huống đó.
  • Thú dữ ngày nay không còn nhiều nhưng những loài phổ biến có thể làm các bạn tổn thương như rắn, rết, bọ cạp, ong… lại khá dễ gặp ở các địa điểm hoang dã. Khi bị trúng độc các bạn cần có kỹ năng sơ cứu đúng cách nhưng tốt nhất đừng để phải đụng độ với chúng vì các bạn đang ở cách xa các điểm y tế. Hãy chú ý quan sát mọi thứ xung quanh mình khi di chuyển.
  • Các nguy cơ ngộ độc từ các loài thực vật trong rừng cũng rất cao và hậu quả để lại cũng rất lớn nếu các bạn không biết cách xử lý. Nguyên nhân thường gặp nhất là do các bạn tò mò nếm thử các loại quả rừng hoặc bị nhầm lẫn với những loại quả lành đã biết. Có những loài cây là khi ta vô tình tiếp xúc với lá của chúng thôi cũng đủ để khiến bị mẩn ngứa, khó chịu. Tốt nhất là không nên nếm thử bất cứ thứ gì các bạn chưa rõ.
  • Xung đột với người dân bản địa là tình huống hiếm gặp nhưng cũng không nên chủ quan. Nếu tình huống này xảy ra thì thường là do các bạn gặp người dân tộc thiểu số và có khác biệt lớn về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khiến các bạn không thể giải quyết vấn đề một cách êm xuôi. “Nhập gia tùy tục”, tốt nhất các bạn nên nhẹ nhàng, bình tĩnh trước mọi tình huống, tránh làm xung đột thêm căng thẳng.

Tự bảo vệ bản thân

Đứng trước những nguy cơ có thể xảy ra khi đi tới những vùng đất lạ mà các bạn không thông thuộc hãy tự trang bị cho mình những kiến thức sinh tồn cơ bản để đảm bảo an toàn cho hành trình.

  • Trang bị đủ đồ nghề sinh tồn cơ bản (dao, bật lửa, dây leo, dây buộc), các thiết bị điện tử nên cho vào túi zip chống nước. Quần áo nên mặc kín để tránh côn trùng hoặc vô tình tiếp xúc với các loài cây độc. Hành trang nên gọn nhẹ.
  • Ghi nhớ lộ trình di chuyển dựa vào mặt trời hoặc dùng dây buộc màu sắc để đánh dấu trên đường đi. Đừng để bị lạc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Thận trọng trong từng bước chân, chú ý quan sát mọi thứ xung quanh để phát hiện sớm nguy cơ.
  • Không tự ý tách đoàn, không tò mò các loại quả cây bắt mắt, không uống nước suối, không ham leo trèo nơi hiểm trở.
  • Nên có một người bản địa đi cùng để dẫn đoàn, nếu là người thông thạo, có kinh nghiệm thì các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết về địa danh mà các bạn đang tìm hiểu.
  • Nếu phải di chuyển lũa, đá nặng, cồng kềnh cần có kế hoạch gọi thêm người và chuẩn bị đủ đồ nghề đào xới.
  • Trong các tình huống ngộ độc gây khó thở thì một chai thuốc xịt trị hen suyễn sẽ giúp ích rất nhiều cho nạn nhân.

Và điều quan trọng nhất không thể bỏ qua đó là sức khỏe và sự bình tĩnh, điểm khác nhau giữa một chuyến đi vài giờ và một chuyến đi hơn 24 giờ là rất lớn. Các bạn phái xác định và tuân thủ đúng lộ trình để đảm bảo an toàn chung.

Bucephalandra trong tự nhiên

Bảo vệ môi trường

Các bạn là những người yêu thiên nhiên, vậy nên vấn đề bảo vệ môi trường cũng nên được thực hiện đúng mực.

Trong mỗi chuyến đi, hãy cố gắng không xả rác ra môi trường, đặc biệt là các loại rác thải vô cơ, không có khả năng phân hủy. Mẹ thiên nhiên đã hào phóng với các bạn thì các bạn cũng nên tôn trọng thiên nhiên. Chú ý bảo vệ nguồn lợi, nói cách khác là cố gắng giữ giống đối với các loài sinh vật hay thực vật bản địa, đừng cố khai thác cạn kiệt để phục vụ mục đích kinh doanh. Hãy cố gắng nhân giống chúng trong môi trường nhân tạo, đó luôn là hành động đáng hoan nghênh, những nỗ lực của các bạn sẽ được đền đáp xứng đáng và được cộng đồng ghi nhận.

Hãy để thủy sinh luôn là thú vui của tất cả mọi người. Chúc các bạn có những chuyến phượt thủy sinh thành công và đạt được nhiều thành quả.

-bouaqua-

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận