BOUaqua.com

Sử dụng chất hóa học trong bể thủy sinh

Chất hóa học – một sản phẩm của con người và đại diện cho nền văn minh con người. Chất hóa học hiện diện xung quanh ta, tiếp xúc với chúng ta từ những điều bình thường nhất như thức ăn (chất bảo quản, chất tạo màu), nước uống (khử độc trong nước) cho đến những điều cao siêu nhất (điều trị bệnh, phục vụ nghiên cứu khoa học). Và trong bể thủy sinh – một sản phẩm đại diện cho tự nhiên, có nên xuất hiện chất hóa học?

Dường như có một sự đối lập to lớn. “Chất hóa học”, cụm từ này gắn liền với sự xấu xa, hủy diệt hơn là với những ý nghĩa tốt đẹp. Trong bể thủy sinh, chất hóa học có thể là phân bón, thức ăn, chất kích thích, thuốc diệt rêu, phòng chống bệnh tật… Quen thuộc và dễ gặp nhất có lẽ là thuốc diệt rêu.

Rêu hại là vấn đề luôn làm những người mới đau đầu và khó chịu, nó có thể dập tan những háo hức của nhiều người hoặc hạ gục đam mê của nhiều người khác. Dù cho vấn đề rêu hại có được cảnh báo ở mức độ nào thì khi xuất hiện nó vẫn là nỗi kinh hoàng. Những người mới nhìn rêu hại như kẻ thù không đội trời chung, những “người cũ” nhìn rêu hại như một giống loài xấu xí, khó ưa và cần phải hạn chế, đẩy lùi.

Khi mà những biện pháp phòng chống và tiêu diệt như thay nước, loại bỏ bằng tay, tắt đèn, chùm kín bể… không còn tỏ ra hiệu quả hoặc đơn giản là người chơi không có đủ thời gian và kiên nhẫn thì chất hóa học được lựa chọn. Hầu hết việc sử dụng chất hóa học đều rất hiệu quả trong việc tiễu trừ phần lớn các loài rêu hại, tuy nhiên hậu quả của việc sử dụng nó cũng không hề nhỏ:

– Thứ nhất là làm mất cân bằng môi trường bể. Chất hóa học khi được đưa vào bể sẽ làm thay đổi các điều kiện sống của rêu hại, hoặc bản thân chất hóa học đó hoặc xác rêu hại chết phân hủy đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới môi trường nước bể vốn chưa ổn định (đối với những bể mới) hoặc mất cân bằng trong những bể cũ. Sau khi rêu hại được tiêu diệt thì khả năng lớn là một số loài cũng sẽ ra đi do những hệ lụy mà công cuộc diệt rêu bằng chất hóa học để lại.

– Thứ hai là tàn phá toàn bể trong trường hợp chất hóa học còn tồn dư (sử dụng quá liều lượng). Nhiều người chơi xuề xòa hoặc duy nghĩ đơn giản là “quá một tí cũng không sao” hoặc kết hợp phòng trị rêu hại trong tương lai thường xử dụng nhiều hơn liều lượng nhà sản xuất khuyến cáo. Điều này có thể gây hậu quả nặng hay nhẹ tùy vào loại chất hóa học và nồng độ chất mà nhà sản xuất sử dụng.

– Thứ ba là người chơi quen với việc dùng chất hóa học. Có thể rêu hại không “nhờn thuốc” nhưng việc diệt rêu hiệu quả bằng chất hóa học làm người chơi tỏ ra “thích thú” và coi nó như một bí kíp trong thú chơi thủy sinh. Điều này có lẽ là không nên, bởi mỗi hồ đều có môi trường khác nhau dù là nhiều hay ít, điều đó khiến việc diệt rêu bằng chất hóa học trở lên hiệu quả hoặc không đối với mỗi hồ khác nhau. Bên cạnh đó thì điều này cũng làm thui chột khả năng tìm tòi, học hỏi cách làm chủ vấn nạn rêu hại. Ngoài ra thì cây trồng không thể phát triển căng vì môi trường hóa chất.

– Thứ tư là không giúp thúc đẩy thú chơi. Người chơi sẽ làm gì khi chất hóa học làm tan tành một bố cục dự thi? Cách diệt rêu tâm đắc không còn hiệu quả? Bể thủy sinh của người chơi không xuất hiện rêu hại nữa và họ coi là đã đi tới tận cùng thú chơi? Ai cũng trầm trồ, khen ngợi trước một bể thủy sinh sạch sẽ, không rêu hại nhưng nếu đạt được điều đó một cách quá dễ dàng (lạm hóa chất) thì không nên tự nghĩ mình đã biết chơi thủy sinh thành thạo.

– Thứ năm là chống lại thiên nhiên. Bể thủy sinh là để đưa thiên nhiên vào nhà, là để đưa con người quay trở về với thiên nhiên, nhìn nhận lại những hành động phá hoại môi trường của mình. Bể thủy sinh là sự kết hợp các yếu tố của thiên nhiên thuần khiết, vậy có lẽ không nên xuất hiện chất hóa học – một sản phẩm không thuần khiết của con người.

Dù bạn có bao biện ra sao đi nữa thì việc diệt rêu bằng chất hóa học cũng là thất sách và không nên được hoan nghênh. Coi rêu hại như một loài thực vật thủy sinh hoặc như một kẻ thù đáng nguyền rủa. Đó là quyết định ở bạn.

– bouaqua –

Để lại bình luận