BOUaqua.com

4 sai lầm nên tránh khi tự làm bể thủy sinh

Sau bài viết về những lỗi phổ biến của người mới chơi thủy sinh, hôm nay bouaqua xin được viết tiếp về khía cạnh: sai lầm không đáng có của những người muốn tự làm bể thủy sinh. Ở bài viết này bouaqua muốn nhấn mạnh tới đối tượng là những người chơi thủy sinh thời vụ, nói cách khác thì đây không được xác định là đam mê của họ, họ chỉ muốn tự làm bể thủy sinh đơn giản đặt trong nhà cho vui mắt mà thôi.

Hãy dẹp hết sang bên cạnh những kiến thức cao siêu về thủy sinh cảnh, về chu trình nitơ, về nitrat, về pH… “Tôi chỉ muốn tự làm bể thủy sinh đơn giản nhất có thể” – đó là yêu cầu của họ, rất rõ ràng. Vậy chúng ta sẽ xem xét một số lỗi mà họ hay mắc phải và cách tháo gỡ vấn đề.

Nhờ người bán hàng tư vấn tất cả mọi thứ

Bouaqua không hề có ý phủ nhận trình độ chuyên môn của người bán hàng. Nhưng với những người mới, họ thường chọn hàng cá cảnh để mua đồ làm bể thủy sinh, vậy là người bán cá cảnh sẽ phải tư vấn về thủy sinh. Chưa nói đến việc có nhiều người bán hàng chỉ chăm chăm tư vấn sao cho bán được nhiều món, thu được nhiều lợi ích. Đó là mục đích, là “nhiệm vụ” của họ, chúng ta không thể trách. Nhưng sẽ rất đáng trách nếu họ tư vấn suông mà không dựa trên kinh nghiệm thực tế.

Lang thang trên mạng, bạn sẽ sưu tầm được một lô lốc kiến thức về thủy sinh, từ căn bản cho đến chuyên sâu. Nếu mang mớ kiến thức ấy đi tư vấn cho người ngoại đạo thì thật nguy hiểm, nếu họ chưa từng trải qua. Đừng bắt một người bán cá cảnh lâu năm tư vấn về thủy sinh nếu cửa hàng của họ chưa từng xuất hiện một bể thủy sinh nào theo đúng nghĩa. Hãy là người tiêu dùng thông thái. Hãy hỏi một người có kinh nghiệm trên internet, trao đổi với một người thực sự đam mê, hoặc trò chuyện trực tiếp với những chủ cửa hàng thủy sinh, họ sẽ không tiếc thời gian để tư vấn cặn kẽ cho bạn đâu, bây giờ là thời đại mở rồi.

Đừng để những lời tư vấn có cánh lấn át lý trí của bạn.

Xác định và kiên trì với mục đích làm bể

Sau khi tự nghiên cứu và dựa vào nhu cầu thực tế, hãy xác định rõ mục đích cho mình. Có thể bạn muốn tự làm bể cho vui tay, bạn muốn tự làm bể để tìm hiểu thiên nhiên, bạn muốn tự làm bể để giảm chi phí, bạn muốn tự làm bể để tặng người thân cho ý nghĩa… muôn vàn lý do để bạn tự làm bể thủy sinh chứ không phải là ai khác. Nếu tự mình làm thì phải tự mình xác định mục đích của việc đó, hãy dựng một đường ray và bạn sẽ là chiếc xe lửa thẳng tiến về phía trước, không có chuyện rẽ ngang.

Hãy trở lại với những người bán hàng, dù là bán cá cảnh hay bán thủy sinh thì với những người có kinh nghiệm sẽ đủ sức kéo bạn chệch ra khỏi đường ray của mình và tệ hơn là đi sang cái đường ray do họ tạo ra, và bạn sẽ đi đến đâu thì… chỉ có họ mới biết!

– Nếu muốn làm bể để thả vài con cá cỏ, hãy bỏ qua những tư vấn đề các loài cá sặc sỡ, đỏng đảnh vì bạn sẽ phải đầu tư mạnh tay hơn để nuôi được chúng.
– Nếu muốn làm bể chỉ để cho vui mắt, lấp chỗ trống trong nhà hoặc tăng cường phong thủy, hãy tránh xa những tư vấn đề các loài cây đắt tiền, kiều diễm. Từ việc chúng phục vụ bạn có khi bạn sẽ phải đi phục vụ chúng đấy.
– Nếu muốn làm bể treo tường, đừng nghe các tư vấn về việc trang trí đá, sỏi hay lũa, hãy làm sao để bể của bạn nhẹ nhàng nhất có thể cả về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
– Nếu muốn làm bể để tặng người thân, đừng nghĩ đến cá quý hiếm hay cây đắt tiền, họ quý tấm lòng của bạn chứ không quý độ chịu chơi của bạn. Đừng để họ cảm thấy mệt nhọc khi chăm sóc cho món quà mà bạn tặng.

Tự chế phụ kiện thủy sinh

Nếu bạn không xác định sẽ theo đuổi thủy sinh và nâng tầm nó lên thành đam mê thì bouaqua khuyên bạn nên tránh việc tự chế đồ. Xác định tự làm bể không có nghĩa bạn cũng phải tự chế phụ kiện, việc đó sẽ làm bạn mất thời gian, nản chí và đôi khi là từ bỏ luôn ý định làm bể. Nếu đã các định làm bể để vui, vậy thì cứ vui với thú chơi đi, hãy đầu tư những sản phẩm phụ kiện thủy sinh có sẵn và rút ngắn thời gian bắt đầu tận hưởng tác phẩm của mình.

Dàn phụ kiện thủy sinh là thứ giúp duy trì sự sống cũng như vẻ đẹp của bể, vì vậy bạn phải chắc chắn rằng chúng hoạt động trơn tru và ăn khớp với nhau. Chỉ cần một thành phần nào đó bất ổn cũng sẽ khiến bạn tốn thêm thời gian và công sức để khắc phục, đừng phung phí thời gian như vậy nếu bạn không thực sự yêu thủy sinh.

Làm bể thủy sinh không bao giờ đơn giản hơn bể cá

Không nên nghĩ rằng làm bể thủy sinh đơn giản cũng dễ như làm bể cá cảnh. Dù là đơn giản hay phức tạp thì một bể thủy sinh luôn luôn đòi hỏi nhiều hơn so với bể cá cảnh. Nếu sự đầu tư của bạn không thể đạt được tới mức tối thiểu thì sớm hay muộn, sản phẩm tự làm của bạn cũng sẽ tàn lụi.

Một bể cá tối thiểu cần đầu tư hệ thống lọc nước để giữ chất lượng nước được ổn định, bệnh tật có thể được xử lý bằng nhiệt độ (sưởi) và một chút muối ăn để tiệt trùng. Một bể thủy sinh tối thiểu cần đầu tư hệ thống lọc (thay nước hàng ngày là tốt, nhưng bạn sẽ thay được trong bao lâu?), ánh sáng (với nhiệt độ màu phù hợp để cây có thể hấp thụ), dinh dưỡng (giúp cây sinh trưởng tốt, phân cá hay thức ăn thừa không được coi là nguồn dinh dưỡng thay thế). Ngoài ra thì bệnh tật của bể thủy sinh xử lý cũng không đơn giản chỉ bằng cách nâng nhiệt độ hoặc cho muối ăn vào hồ (trừ khi bạn muốn làm một vại dưa).

Bạn đừng vội nản chí khi đọc những dòng trên, bouaqua chỉ muốn nói rằng chơi thủy sinh hoàn toàn khác với chơi hồ cá cảnh, đừng nhầm lẫn giữa hai thể loại. Vậy thì việc tự làm bể thủy sinh có còn đơn giản nữa không? Muốn biết câu trả lời, các bạn hãy đón đọc loạt bài hướng dẫn tự làm bể thủy sinh đơn giản của bouaqua trong thời gian tới.

4.8/5 - (5 bình chọn)

3 bình luận về “4 sai lầm nên tránh khi tự làm bể thủy sinh”

    • Chào bạn, nếu bạn lo ngại việc muối ăn bạn cho vào hồ có thể làm hỏng cây thì bạn cứ thay nước vài lần là được.
      Thay nước càng triệt để càng tốt, tuy nhiên để tránh cho cá có thể bị sốc nước (đặc biệt hiện nay miền Bắc đang rất lạnh) và nếu bạn ở ngoài Bắc thì chỉ nên thay nước 50%, cách 6 tiếng lại thay tiếp 50% nữa là được nhé.

      Trả lời

Để lại bình luận