BOUaqua.com

Chăm sóc bể thủy sinh đúng cách

Bạn đã chăm sóc bể thủy sinh của mình đúng cách chưa? Hãy cùng Bouaqua thảo luận một chút về vấn đề này nhé.

dụng cụ hút nền bể cá cảnh
Dụng cụ hút nền bể cá cảnh

Định kỳ

Việc vệ sinh bể sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi được thực hiện định kỳ, thường là một tuần một lần. Vệ sinh bể ít nhiều có ảnh hưởng tới vi sinh và môi trường nước nên vệ sinh nhiều quá đôi khi cũng không phải là tốt. Vệ sinh ít quá tất nhiên sẽ không tốt vì môi trường bể trở nên độc hại đối với động thực vật. Các bạn có thể thực hiện việc này vào bất cứ thời điểm nào thích hợp, nhưng cố gắng lặp lại đúng thời điểm đó hàng tuần. Bouaqua đề nghị vệ sinh nhẹ 1 tuần/lần, vệ sinh “nặng” 1 tháng/lần.

Có những việc gì?

Thay nước, xử lý rêu hại, hút cặn nền bể, cắt tỉa cây, kiểm tra, vệ sinh phụ kiện. Tất nhiên tùy công việc mà chúng ta thực hiện hàng tuần, hàng tháng hoặc lâu hơn.

Thay nước

Dù hệ thống lọc có tốt đến mấy các bạn cũng không nên phó mặc việc giữ gìn chất lượng nước cho nó. Thay nước bằng tay giúp loại bỏ được rất nhiều chất độc ra khỏi bể, thay nước cũng là dịp để bạn phát hiện ra những điều bất thường xuất hiện và ảnh hưởng tới môi trường bể. Thay nước nhiều và liên tục sẽ làm hao hụt hệ vi sinh, làm môi trường nước thay đổi nhanh dẫn tới sự mất ổn định ở hệ động thực vật trong bể. Thay nước ít quá sẽ làm chất độc tồn đọng trong bể quá lâu, gây ra những hệ quả không tốt. Bouaqua thường thay nước 20% mỗi tuần đối với bể ổn định và 10% mỗi 2 ngày đối với những bể mới. Lớp nước được thay đi luôn là lớp nước gần với nền nhằm tranh thủ kết hợp loại bỏ một phần cặn nền (lá cây phân hủy, thức ăn thừa…).

Xử lý rêu hại

Đây là vấn đề nhức nhối đối với những người mới chơi, xử lý rêu hại là một quá trình kiên trì từng ngày, từng tuần cho tới khi bể đạt được sự cân bằng. Nếu bạn đã trang bị đội quân diệt rêu hùng mạnh thì khâu này sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Xử lý rêu hại đến đâu bạn nên dùng ống xi-phông hút ngay ra đến đó, tránh tiếp tay cho rêu hại lây lan sang vị trí mới. Nếu buộc phải sử dụng chất hóa học để diệt rêu thì nhớ đọc kỹ khuyến cáo của nhà sản xuất khi sử dụng với bể có cá, tép… Bouaqua sẽ có một bài hướng dẫn chi tiết về cách xử lý các loại rêu hại thông qua trải nghiệm thực tế.

hút nền bể kiêm thay nước hồ cá
Hút nền bể kiêm thay nước đơn giản

Hút cặn nền bể

Nền bể thủy sinh, nhất là với những nền bể có cây thảm ở tiền cảnh là nơi lý tưởng để “tàng trữ” lá cây mục, mảnh thực vật lẫn trong nền, thức ăn thừa, xác động vật chết… Những thứ này sẽ phân hủy từ từ tạo thành chất độc hại (chủ yếu là Amoniac) đối với động vật trong bể. Việc loại bỏ chúng có vai trò quan trọng nhằm ngăn ngừa sự xuống cấp của chất lượng nước cũng như sự xuất hiện mầm mống rêu hại. Bouaqua thường sử dụng một ống xi-phông nhỏ (đôi khi chính là ống dẫn khí CO2) để hút cặn nền bể, phần cặn này được hút ra một xô, chậu (có mức chênh lệch độ cao với đáy bể không lớn để hạn chế lực hút).

Cắt tỉa cây

Mục này cần được thực hiện có lộ trình, tất nhiên không thể bừa bãi được nếu bạn muốn có một bể thủy sinh đẹp. Khi thay nước hàng tuần bạn có thể kết hợp cắt tỉa các lá già, lá dập nát, lá có rêu hại, tránh để chúng phân hủy trong nước. Chú ý kiểm tra xem có loài động vật nào làm hỏng cây của bạn hay không.

Kiểm tra, vệ sinh phụ kiện

Nhiều khi vì không để ý mà bạn sẽ bắt gặp những rắc rối nhất định đối với các phụ kiện thủy sinh. Điển hình là dây dẫn Oxi, CO2 thường bị chuột cắn, nếu không để ý thì đôi khi hậu quả sẽ không hề nhỏ. Bên cạnh đó, hệ thống dây điện cũng không phải là ngoại lệ, trong một hệ thống phụ kiện phối hợp nhuần nhuyễn mà có một phụ kiện nào đó âm thầm nghỉ hưu thì quả thật nguy hiểm!

Vậy các bạn đang chăm sóc bể thủy sinh của mình như thế nào?

-bouaqua-

Để lại bình luận