BOUaqua.com

Tầm quan trọng của dòng chảy trong bể thủy sinh

Bouaqua lược dịch và biên tập lại từ bài viết “Importance of Flow in a Planted tank”, chúng ta hãy xem dòng chảy trong bể của mình đã được tối ưu chưa vì đó cũng là cội nguồn của rất nhiều vấn đề.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng đã trải nghiệm cái hồ hởi đi sắm đồ để làm bể thủy sinh của riêng mình. Những người bạn cùng chơi có mặt để giúp đỡ, tư vấn, bố cục trong mơ của bạn đang dần hình thành với rất nhiều mồ hôi và tâm huyết. Tất cả các vấn đề đã được bạn cân nhắc kỹ, cộng với những kinh nghiệm của mọi người xung quanh thì bạn hoàn toàn có quyền yên tâm chờ đợi và tận hưởng thành quả của mình lớn dần.

bể kính thủy sinh 60cm
Bố trí dòng chảy trong bể thủy sinh 60cm của tác giả

Đến một ngày xấu trời nọ, bể của bạn bắt đầu xuất hiện rêu tảo. Không vấn đề gì, bạn sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đã học nằm lòng. Trước tiên là hệ thống ánh sáng, công suất và thời gian chiếu sáng có thể quá nhiều hoặc quá ít, bạn bắt đầu thay đổi lại và tình hình đôi khi không khả quan hơn là mấy. Vậy thì có thể do dinh dưỡng, thường thì bạn sẽ năng thay nước hơn và dừng hẳn loại phân nước mình đang dùng (nếu có), thế nhưng tình hình tiến triển rất chậm và niềm tự hào của bạn bắt đầu có những dấu hiệu xấu, đặc biệt là cây trồng phát triển chậm lại, yếu đi thấy rõ. Trong những giây phút lo lắng xen lẫn tuyệt vọng, có thể bạn sẽ lại bắt đầu bổ sung các loại dinh dưỡng vào bể nhưng đó sẽ là dấu chấm hết to đùng cho một niềm vui mới chớm nở trong bạn. Sau khi tham khảo rất nhiều lời khuyên, bạn rút ra một biện pháp cuối cùng là tăng lượng co2. Van co2 được nới dần ra cho đến khi cá tép trong bể thủy sinh của bạn bắt đầu dọn nhà lên sống gần mặt nước. Tình hình vẫn rất tệ, rêu hại hoành hành khắp nơi.

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Bạn có chắc chắn cây trồng nhận được tất cả những thứ mà bạn bổ sung cho chúng? Hãy kiểm tra lại toàn bộ hệ thống, có một chi tiết nhỏ mà bạn thường bỏ qua, đó là dòng chảy của nước.

Dòng chảy có lẽ là điều quan trọng nhất trong một bể thủy sinh, khi bạn đưa vào hồ những thứ mà cây trồng cần nhưng lại không có một dòng chảy tốt thì tất cả đều trở nên vô nghĩa. Khi dòng chảy trong một bể thủy sinh không được điều chỉnh phù hợp, lượng co2 và dinh dưỡng hòa tan trong nước sẽ không được vận chuyển đi khắp nơi, tạo ra những điểm chết, hoặc sự phân bổ dinh dưỡng (trong nước) không đồng đều. Hệ quả là cây trồng phát triển không đồng đều, kèm theo cả sự phát triển của rêu hại. Tình hình sẽ tồi tệ hơn nữa nếu bể của bạn có bố cục phức tạp, các thành phần lũa, đá được sắp xếp công phu vô tình tạo thành những chướng ngại vật làm nhiễu loạn dòng chảy của nước và tạo ra những điểm chết trong bể.

Không bao giờ được chủ quan với dòng chảy của nước trong bể, nếu có thể, hãy đầu tư một máy lọc với công suất hơi lớn hơn một chút so với khuyến cáo của nhà sản xuất, điều đó không chỉ giúp nâng cao hiệu suất lọc mà còn giúp tạo luồng tốt hơn cho bể. Nếu không thể đầu tư thêm hoặc nâng cấp máy lọc, hãy sử dụng quạt thổi luồng (phụ kiện phổ biến với bể cá biển), chúng sẽ giúp tăng lưu lượng nước lưu thông trong bể.

quạt thổi luồng
Quạt thổi luồng

Khi thiết lập luồng nước, nên để chúng chảy theo một hướng, ví dụ từ mặt trước bể ra sau hay từ trái qua phải. Đặt đầu out (nước ra) và đầu in (nước vào) của lọc ở cùng một bên thành bể cũng là một ý tưởng tốt vì nó giúp tạo luồng nước di chuyển vòng tròn quanh bể. Đối với những bể lớn hoặc có bố cục phức tạp có thể sẽ phải sắp xếp các thiết bị khác đi để đạt được hiệu quả tối ưu cho chuyển động của nước.

Tránh tạo ra những luồng nước xung đột với nhau, chúng không giúp ích được gì cả. Nếu bể của bạn có trồng thảm nền, đôi khi quạt thổi luồng sẽ là điều bắt buộc để giữ cho tiền cảnh luôn được sạch sẽ khỏi rác, thức ăn thừa hay phân cá.

Có dòng chảy và phải hiệu quả, nhiệm vụ lớn nhất của nó là đảm bảo rằng co2 và dinh dưỡng sẽ được đưa đến khắp các ngóc ngách của bể. Hãy xem lại dòng chảy trong bể của bạn, hy vọng bạn có thể cải thiện được nó.

Nguồn: http://www.aquadesignpt.com/…

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại bình luận